Vỡ phình mạch não nguy hiểm thế nào

19/09/2024
|
0 lượt xem
Các Bệnh Sức Khỏe
Vỡ phình mạch não nguy hiểm thế nào

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Lê Tuấn Anh, Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai.

Chảy máu dưới nhện không do chấn thương thường vì vỡ phình mạch não (chiếm 80%), ngoài ra còn do dị dạng mạch và viêm mạch. Chảy máu dưới nhện chiếm 5-10% tổng số ca đột quỵ, gây tàn phế nặng nề và có xu hướng xảy ra trên bệnh nhân trẻ hơn so với các loại đột quỵ khác như nhồi máu não, chảy máu nhu mô não.

Trong số bệnh nhân chảy máu dưới nhện do vỡ phình mạch, đến hơn 50% phải chịu những ảnh hưởng tâm lý lâu dài, giảm chất lượng cuộc sống. Xác định và điều trị sớm có thể giải quyết hậu quả, ngăn ngừa tái phát phình mạch não vỡ. Trong hầu hết trường hợp, can thiệp mạch là lựa chọn tối ưu khi phát hiện thủ phạm là túi phình mạch não vỡ.

Tổng quan

Phình động mạch não tồn tại ở 1-2% dân số nói chung. Vị trí túi phình thường hình thành tại các điểm phân chia động mạch nội sọ - nơi khả năng chịu đựng áp lực huyết động yếu hơn vị trí khác. Nguy cơ phình động mạch não tăng lên ở những người có tiền sử gia đình có phình động mạch não, hoặc ở một số bệnh nhân rối loạn mô liên kết và người mắc thận đa nang. Các yếu tố làm tăng nguy cơ vỡ phình mạch não gồm tăng huyết áp, hút thuốc lá, lạm dụng rượu, sử dụng thuốc cường giao cảm.

Tỷ lệ xuất huyết dưới nhện do vỡ phình mạch não khác nhau ở các nước, trung bình khoảng 14,5/100.000 người. Chảy máu dưới nhện do vỡ phình mạch nhiều hơn ở phụ nữ và độ tuổi hay gặp nhất khoảng 50 tuổi. Khi phình mạch não vỡ, đó là một thảm họa thực sự. Tỷ lệ tử vong khi vỡ phình mạch được báo cáo lên tới 25-50%.

Dấu hiệu

Triệu chứng điển hình của chảy máu dưới nhện do vỡ phình mạch não được mô tả là "cơn đau đầu tồi tệ nhất trong cuộc đời". Cơn đau khởi phát đột ngột, dữ dội và nhanh chóng đạt đến mức tối đa (thường gọi là đau đầu sét đánh).

Khoảng 10-40% bệnh nhân xuất hiện cơn đau đầu cảnh báo. Dấu hiệu "dọa vỡ phình mạch", thường xảy ra trong vòng 2-8 tuần trước khi vỡ phình mạch thực sự. Thời điểm vỡ túi phình có thể xảy ra ngay cả khi đang sinh hoạt bình thường.

Các triệu chứng khác thường gặp là buồn nôn, nôn, gáy cứng, sợ ánh sáng, dấu hiệu thần kinh khu trú và mất ý thức trong thời gian ngắn. Sự suy giảm ý thức từ lú lẫn đến hôn mê là yếu tố quyết định đến tiên lượng bệnh. Chảy máu dưới nhện chỉ chiếm khoảng 1% trong số các bệnh nhân đau đầu được đánh giá ở phòng cấp cứu, thường bị bỏ qua với các chẩn đoán đau nửa đầu hoặc các loại đau đầu khác. Tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân này tăng gấp 4 lần so với bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị chính xác từ sớm. Do vậy bệnh sử chi tiết có thể hữu ích để chẩn đoán sớm và cứu mạng bệnh nhân trong một số trường hợp.

Điều trị

Bệnh nhân vỡ phình mạch não tái phát có nguy cơ tử vong và di chứng thần kinh cao hơn nhiều so với bệnh nhân vỡ phình mạch lần đầu. Nguy cơ vỡ phình mạch tái phát 4-14% trong 24 giờ đầu sau chảy máu dưới nhện nếu không được điều trị.

Các nghiên cứu cho thấy điều trị phình mạch não vỡ là cần thiết để loại trừ nguy cơ vỡ phình tái phát. Hiện tại có hai phương pháp chính là phẫu thuật kẹp túi phình và can thiệp mạch. Cả hai phương pháp đều đòi hỏi người can thiệp chuyên môn cao, thực hiện tại các cơ sở y tế có khả năng điều trị.

Khuyến cáo

Chảy máu dưới nhện do vỡ phình mạch não là tình trạng cấp cứu thần kinh đe dọa tính mạng, thường ảnh hưởng đến người trẻ tuổi hơn so với các loại đột quỵ khác.

Để phòng ngừa, mọi người nên chăm sóc sức khỏe thật tốt, hạn chế các yếu tố nguy cơ. Nên ăn uống chế độ khoa học, lành mạnh, hạn chế đồ uống có cồn, không hút thuốc lá. Tập thể dục thường xuyên với cường độ phù hợp với thể trạng, tránh stress kéo dài.

Cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ. Nếu bản thân hoặc người nhà xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ, hãy đến bệnh viện ngay lập tức.

Lê Nga

Tin liên quan
Tin Nổi bật